TikTok nối lại hoạt động tại Mỹ sau cam kết từ Tổng thống đắc cử Trump

TikTok nối lại hoạt động tại Mỹ sau cam kết từ Tổng thống đắc cử Trump

Động thái này xảy ra chỉ hơn 12 giờ sau khi TikTok tạm ngừng cung cấp nền tảng chia sẻ video phổ biến để chuẩn bị đối phó với lệnh cấm.

TikTok thông báo trên mạng xã hội X rằng họ đang phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để khôi phục truy cập.

Trong tuyên bố, công ty nhấn mạnh: “Chúng tôi cảm ơn Tổng thống đắc cử Trump vì đã mang lại sự rõ ràng và đảm bảo cần thiết cho các nhà cung cấp dịch vụ của chúng tôi, rằng họ sẽ không phải đối mặt với bất kỳ hình phạt nào khi tiếp tục cung cấp TikTok cho hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ, đồng thời hỗ trợ hơn 7 triệu doanh nghiệp nhỏ phát triển”.

TikTok cũng khẳng định đây là một bước đi mạnh mẽ nhằm bảo vệ Tu chính án thứ nhất và chống lại việc kiểm duyệt tùy tiện. Công ty cam kết sẽ hợp tác cùng Tổng thống đắc cử Trump để tìm kiếm giải pháp lâu dài, đảm bảo ứng dụng tiếp tục hoạt động tại Mỹ.

Đến 1 giờ chiều (giờ miền Đông Mỹ), TikTok đã hoạt động trở lại, dù ứng dụng vẫn chưa xuất hiện trên App Store của Apple và Google Play Store.

“Chào mừng trở lại! Cảm ơn sự kiên nhẫn và ủng hộ của bạn,” thông báo từ TikTok gửi tới người dùng Mỹ. “Nhờ nỗ lực của Tổng thống Trump, TikTok đã quay trở lại Mỹ! Bạn có thể tiếp tục tạo, chia sẻ và khám phá những điều yêu thích trên TikTok.”

Tổng thống đắc cử Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 19/1 rằng ông đã yêu cầu các công ty “không để TikTok bị ngừng hoạt động” và dự kiến ban hành sắc lệnh hành pháp vào ngày 20/1 khi chính thức nhậm chức, nhằm gia hạn thời gian hoạt động cho ứng dụng.

Một luật mới yêu cầu ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc, phải bán lại ứng dụng này hoặc đối mặt với lệnh cấm đã chính thức có hiệu lực từ ngày 19/1. Để đối phó, TikTok đã ngừng hoạt động tại Mỹ vào đêm ngày 18/1.

Trước đó, ngày 17/1, Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ đơn khiếu nại của TikTok về luật này, khẳng định nó không vi phạm Tu chính án thứ nhất. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố không thực thi luật này và chuyển trách nhiệm thực hiện sang chính quyền mới của ông Trump.

TikTok từng cho biết sẽ “tạm ngừng hoạt động” nếu không nhận được sự can thiệp từ Tổng thống Biden, vì thiếu sự đảm bảo từ Nhà Trắng đối với các nhà cung cấp dịch vụ. Nhà Trắng sau đó bác bỏ tuyên bố của TikTok, coi đây là “chiêu trò”. Dù nhận được sự bảo đảm từ ông Trump, TikTok vẫn đối mặt với áp lực phải bán lại, bao gồm yêu cầu từ chính Tổng thống đắc cử.

Ông Trump cũng tuyên bố rằng ông mong muốn Mỹ nắm giữ 50% cổ phần trong một liên doanh nhằm duy trì hoạt động của TikTok tại Mỹ. “Nếu không có sự chấp thuận của Mỹ, TikTok sẽ không tồn tại. Nhưng nếu được phê duyệt, giá trị của nó có thể đạt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ USD,” ông viết.

Tổng thống đắc cử giải thích mục tiêu của ông là tạo ra một liên doanh giữa các nhà đầu tư hiện tại và mới, trong đó Mỹ sẽ nắm giữ một nửa cổ phần.

Khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức, nhiều lãnh đạo công nghệ lớn như Elon Musk (Tesla), Jeff Bezos (Amazon), và Mark Zuckerberg (Meta) dự kiến tham dự lễ nhậm chức.

Giám đốc điều hành TikTok, ông Shou Zi Chew, người từng gặp ông Trump tại Mar-a-Lago tháng trước, cũng sẽ có mặt tại sự kiện này.

Sau phán quyết của Tòa án Tối cao ngày 17/1, ông Chew gửi lời cảm ơn tới Tổng thống đắc cử vì cam kết tìm kiếm giải pháp giữ TikTok hoạt động.